PHÂN BIỆT BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG ANH VÀ BẢNG PHIÊN ÂM TIẾNG ANH QUỐC TẾ
Bất cứ ai khi bắt đầu học tiếng Anh, bài học đầu tiên có lẽ là học về Bảng chữ cái tiếng Anh đầy đủ với 26 chữ cái từ A đến Z. Dù vậy, không phải ai cũng biết trong tiếng Anh để có thể đánh vần & phát âm chuẩn các từ, chúng ta phải dựa vào Bảng phiên âm tiếng Anh quốc tế (Viết tắt là IPA), mà không phải là các chữ cái a, b, c, d…
Bài viết chi tiết này của IELTS – Thư Đặng sẽ giúp các bạn học viên phân biệt được bảng chữ cái & bảng phiên âm quốc tế, từ đó cho bạn cái nhìn đầy đủ hơn & giúp ích nhiều hơn cho việc tự học tiếng Anh của chính mình.
1. Bảng chữ cái tiếng Anh 26 chữ cái
1.1. Bảng chữ cái tiếng Anh đầy đủ
Bảng chữ cái tiếng Anh bao gồm 26 chữ cái được chia thành 2 loại chữ cái là phụ âm và nguyên âm. Các chữ cái phụ âm bao gồm 21 chữ cái, trong khi nguyên âm bao gồm 5 chữ cái: A, E, I, O và U. Tip để nhớ được các nguyên âm này là nhớ từ “UỂ OẢI” (U-E-O-A-I).
Tất cả các từ tiếng Anh phải chứa ít nhất một nguyên âm.
Cách viết của mỗi chữ cái có thể viết theo 2 cách viết hoa và viết thường. Chữ hoa được sử dụng cho chữ cái đầu tiên của câu và chữ cái đầu tiên của tên riêng hoặc địa điểm.
1.2. Đánh vần bảng chữ cái tiếng Anh
Trước khi tìm hiểu về cách đọc phiên âm, các bạn nên học cách đánh vần từng chữ cái trong hình. Việc nắm rõ cách đánh vần những chữ trong bảng chữ cái sẽ giúp cải thiện kỹ năng nghe và nói một cách nhanh chóng. Khá nhiều người học tiếng Anh thường đọc các từ theo sự ghi nhớ và có thể đọc nhầm các từ ít gặp hoặc chưa từng sử dụng vì không nắm rõ các nguyên tắc đọc phiên âm trong tiếng Anh.
Sau đây là bảng chữ cái tiếng Anh bao gồm các phiên âm của từng chữ cái.
Bảng chữ cái tiếng Anh bao gồm chữ in hoa, chữ thường, tên chữ và phiên âm chuẩn
2. Bảng phiên âm tiếng Anh quốc tế đầy đủ (IPA)
Đầu tiên, ta hãy cùng thử xem và phân tích sơ lược bảng phiên âm tiếng Anh quốc tế (IPA). IPA là viết tắt của International Phonetic Alphabet – bảng phiên âm tiếng Anh quốc tế.
Note: Nhìn sơ qua, bạn sẽ thấy có một số nét tương tự như bảng chữ cái tiếng Anh, tuy nhiên, nếu nhìn kĩ bạn sẽ thấy bảng phiên âm này hoàn toàn khác so với bảng chữ cái tiếng Anh ở mục 1 phía trên.
Bảng phiên âm tiếng Anh quốc tế đầy đủ (IPA)
Bảng phiên âm tiếng Anh quốc tế đầy đủ có tổng số 44 âm. Trong đó:
- 20 âm nguyên âm (vowels)
- 24 âm phụ âm (consonants)
Trong 20 âm nguyên âm (vowels) lại có:
- Âm nguyên âm đơn (monothongs): 12 âm
- Âm nguyên âm đôi (diphthongs) (*): 8 âm
(*): 1 âm nguyên âm đôi là sự kết hợp của 2 nguyên âm đơn.
2.1. Phân loại theo tính chất hữu thanh-vô thanh
Trước khi bắt đầu phân loại, ta hãy làm quen với 2 khái niệm rất quan trọng liên quan đến phát âm tiếng Anh: “hữu thanh” và “vô thanh”. Tính chất này liên quan đến việc khi phát âm dây thanh quản của ta có rung và ta có đẩy khí ra ngoài hay không.
- Âm hữu thanh: ta sẽ không đẩy/bật khí ra khỏi miệng nhưng rung dây thanh (sờ tay vào cổ sẽ thấy rung).
- Âm vô thanh: ta sẽ đẩy/bật khí ra khỏi miệng và không rung dây thanh (sờ tay vào cổ không thấy rung).
Phân loại 44 âm theo tính chất hữu thanh-vô thanh:
- Nguyên âm: Toàn bộ 20 âm nguyên âm đều là âm hữu thanh
- Phụ âm:
Âm hữu thanh: /b/, /d/, /ɡ/, /v/, /z/, /ʒ/, /dʒ/, /m/, /n/, /ŋ/, /l/, /r/, /w/, /j/, /ð/ (15 âm)
Âm vô thanh: /p/, /t/, /k/, /f/, /s/, /ʃ/, /tʃ/, /h/, /θ/ (9 âm)
2.2. Cách phát âm chuẩn xác Bảng phiên âm tiếng Anh quốc tế (IPA)
2.2.1. Âm nguyên âm
- Tất cả các âm nguyên đều là âm hữu thanh. Nên một trong những quy tắc chung khi phát âm các âm nguyên âm chính là rung dây thanh và không đẩy/bật khí ra khỏi miệng.
- Các âm nguyên âm đều được phát âm trong khoang miệng, không đẩy hơi lên mũi để phát âm.
- Các cách phát âm bên dưới sẽ tập trung vào 3 mảng là âm thanh, khẩu hình miệng và vị trí-hình dáng lưỡi.
2.2.1.1. Nguyên âm đơn
1. /ɪ/
- Âm thanh: Thường gọi là “âm i ngắn”. Âm vang lên rất dứt khoát, ngắn và tù; nghe như sự pha trộn giữa “i” và “ê” trong tiếng Việt.
- Khẩu hình miệng: Môi không bẹt mà hơi tụm lại một chút. Hai hàm răng chỉ tách nhau ra một khoảng rất nhỏ.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
2. / iː/
- Âm thanh: Thường gọi là “âm i dài”. Âm kéo dài.
- Khẩu hình miệng: Miệng bẹt sang hai bên và nhe răng như đang cười. Hai hàm răng chỉ tách nhau ra một khoảng rất nhỏ.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Đầu lưỡi đưa lên cao hơn một chút so với âm /ɪ/.
3. /ʊ/
- Âm thanh: Thường được gọi là “âm u ngắn”. Phát âm ngắn và dứt khoát. Người Anh có xu hướng phát âm âm này như chữ “u” trong tiếng Việt. Người Mỹ có xu hướng phát âm âm này như chữ “ư”. Nhìn chung, dù chọn cách nào ta cũng cần phát âm thật dứt khoát và không kéo dài âm.
- Khẩu hình miệng: Môi hơi chu ra phía trước và hơi chum lại tạo thành hình tròn nhỏ.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
4. /uː/
- Âm thanh: Thường được gọi là “âm u dài”. Phát âm như chữ “u” trong tiếng Việt nhưng kéo dài.
- Khẩu hình miệng: Môi hơi chu ra phía trước và hơi chum lại tạo thành hình tròn nhỏ.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
5. /e/
- Âm thanh: Phát âm giống như phát âm chữ “e” trong tiếng Việt nhưng ngắn và dứt khoát hơn.
- Khẩu hình miệng: Miệng không quá bẹt cũng không quá tròn. Miệng mở rộng theo chiều dọc hơn so với âm /ɪ/ và âm / iː/.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
6. /ə/
- Âm thanh: Phát âm như cách đọc chữ “ơ” trong tiếng Việt nhưng ngắn và nhẹ hơn.
- Khẩu hình miệng: Khẩu hình miệng như cách đọc chữ “ơ” trong tiếng Việt nhưng nhỏ hơn và tròn miệng hơn một chút.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
7. /ɜː/
- Âm thanh: Âm tựa như âm của chữ “ơ” trong tiếng Việt nhưng nghe sâu hơn.
- Khẩu hình miệng: Khẩu hình miệng như cách đọc chữ “ơ” trong tiếng Việt nhưng tròn hơn.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Đầu lưỡi cong lên cao gần vòm họng.
8. /ʌ/
- Âm thanh: Nghe giống như cách đọc chữ “ơ” trong tiếng Việt nhưng sắc và dứt khoát hơn. Hơi giống cách đọc chữ “â” trong tiếng việt.
- Khẩu hình miệng: Khẩu hình dẹt hơn so với khẩu hình của âm /ə/ và âm /ɜː/.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi hơi nâng lên.
9. /ɔː/
- Âm thanh: Thường được gọi là “âm o dài”.Nghe gần giống như âm “o” trong tiếng Việt nhưng âm kéo dài và sâu hơn.
- Khẩu hình miệng: Môi chu ra và tròn.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Đầu lưỡi cong lên cao về gần vòm miệng.
10. /ɒ/
- Âm thanh: Thường được gọi là “âm o ngắn”. Nghe gần giống như âm “o” trong tiếng Việt nhưng ngắn và dứt khoát hơn.
- Khẩu hình miệng: Khẩu hình không tròn bằng khẩu hình của âm /ɔː/.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
11. /ɑː/
- Âm thanh: Nghe gần giống âm “a” trong tiếng Việt nhưng kéo dài hơn và âm nghe hẹp hơn.
- Khẩu hình miệng: Miệng mở rộng nhiều theo chiều dọc, không quá tròn cũng không quá bẹt sang hai bên. Miệng mở nhỏ hơn so với khi phát âm “a” trong tiếng Việt.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
12. /æ/
- Âm thanh: Kết hợp giữa âm /ɑː/ và âm /e/. Tuy nhiên, âm /ɑː/ không kéo dài mà phát âm thật nhanh rồi chuyển sang âm /e/. Bạn hãy đọc hai âm này liền nhau nhất có thể.
- Khẩu hình miệng: Mở to nhưng thiên về chiều ngang, môi dưới hạ thấp xuống.
- Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
2.2.1.2. Nguyên âm đôi
/ɪə/: Phát âm âm /ɪ/rồi chuyển dần sang âm /ə/. Khẩu hình dẹt chuyển thành hình tròn.
/ʊə/: Phát âm âm /ʊ/ rồi chuyển dần sang âm /ə/. Khẩu hình từ chụm lại chuyển sang mở rộng hơn.
/eə/: Phát âm âm /e/ rồi chuyển dần sang âm /ə/. Khẩu hình từ hơi dẹt chuyển sang tròn hơn.
/eɪ/: Phát âm âm /e/ rồi chuyển dần sang âm /ɪ/. Khẩu hình hẹp dần theo chiều dọc.
/ɔɪ/: Phát âm âm /ɔː/ rồi chuyển dần sang âm /ɪ/. Khẩu hình từ tròn-mở chuyển sang dẹt. Âm /ɔː/ không kéo dài.
/aɪ/: Phát âm âm /ɑː/ rồi chuyển dần sang âm /ɪ/. Khẩu hình từ tròn-mở chuyển sang dẹt. Âm /ɑː/ không kéo dài.
/əʊ/: Phát âm âm /ə/ rồi chuyển dần sang âm /ʊ/. Môi dần chụm lại và đưa về phía trước.
/aʊ/: Phát âm âm /ɑː/ rồi chuyển dần sang âm /ʊ/. Môi dần chụm lại và đưa về phía trước. Âm /ɑː/ không kéo dài.
2.2.2. Âm phụ âm
2.2.2.1. Cặp âm phát âm cùng khẩu hình
Lưu ý: 8 cặp âm này phát âm cùng khẩu hình và cách điều khiển lưỡi nhưng khác nhau ở tính chất hữu thanh-vô thanh.
Cặp âm số 1: /b/ – /p/
- Khẩu hình-Lưỡi: Đều bắt đầu bằng khẩu hình môi mím lại sau đó mở miệng ra và phát ra âm. Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên bình thường.
- /b/ hữu thanh nên mở môi nhẹ nhàng, không bật hơi ra và rung dây thanh để phát âm.
- /p/ vô thanh nên không rung dây thanh nhưng môi mím chặt lấy đà bật mạnh hơi ra và tạo tiếng nổ.
Cặp âm số 2: /d/ – /t/
- Khẩu hình-Lưỡi: Khẩu hình dẹt, hai hàm răng không tách ra. Lúc bắt đầu phát âm, đầu lưỡi chạm vào vị trí ngay sau chân răng của hàm răng trên rồi dời đi.
- /d/ hữu thanh nên lúc đầu lưỡi rời khỏi vị trí ngay sau chân răng hàm trên, ta rung dây thanh để phát âm.
- /t/ hữu thanh nên lúc đầu lưỡi rời khỏi vị trí ngay sau chân răng hàm trên, ta không rung dây thanh mà bật khí ra, tạo nên âm thanh sắc.
Cặp âm số 3: /ɡ/ – /k/
- Khẩu hình-Lưỡi: Miệng hơi mở ra, phần cuống lưỡi nâng lên và chạm vào phần ngạc mềm trên và chặn luồng hơi lại, sau đó nhanh chóng hạ phần lưỡi xuống và đẩy luồng hơi thoát ra ngoài.
- /ɡ/ hữu thanh nên ta sẽ rung dây thanh.
- /k/ vô thanh nên ta sẽ không rung dây thanh, khi phát âm sẽ tạo ra âm có độ nổ.
Cặp âm số 4: /v/ – /f/
- Khẩu hình-Lưỡi: Dùng răng hàm trên cắn nhé lên cánh môi dưới.
- /v/ hữu thanh nên ta sẽ rung dây thanh quản để tạo âm thanh và không đẩy khí ra ngoài. Cánh môi dưới sẽ cảm nhận được độ rung do không khí bị cản lại tạo ra.
- /f/ vô thanh nên ta sẽ không rung dây thanh mà đẩy khí ra ngoài qua khe hở rất nhỏ giữa hàm răng trên và cánh môi dưới.
Cặp âm số 5: /z/ -/s/
- Khẩu hình-Lưỡi: Môi thả lỏng. Hai hàm răng đóng hờ. Để đầu lưỡi chạm vào phần chân răng của hàm răng trên.
- /z/ hữu thanh nên ta sẽ rung dây thanh. Ta sẽ không đẩy khí ra mà giữ khí lại ở chỗ tiếp xúc giữa đầu lưỡi và chân hàm răng trên. Việc này sẽ tạo ra âm thanh “zì zì” như tiếng con ong tạo ra.
- /s/ vô thanh nên ta sẽ không rung dây thanh. Ta sẽ đẩy khí ra qua chỗ tiếp xúc giữa đầu lưỡi và chân hàm răng trên. Việc này sẽ tạo ra âm thanh “xì xì” như tiếng con rắn tạo ra.
Cặp âm số 6: /ʒ/ – /ʃ/
- Khẩu hình-Lưỡi: Môi thả lỏng. Hai hàm răng đóng hờ. Cong đầu lưỡi lên đến sát vòm họng.
- /ʒ/ hữu thanh nên ta sẽ rung thanh quản để tạo ra âm thanh nhưng không thổi khí ra.
- /ʃ/ vô thanh nên ta sẽ không rung dây thanh nhưng sẽ thổi khí ra.
Cặp âm số 7: /dʒ/ – /tʃ/
- Khẩu hình-Lưỡi: Môi thả lỏng. Hai hàm răng đóng hờ. Phần thân lưỡi nâng lên, chạm vào vòm miệng.
- /dʒ/ hữu thanh nên lúc kéo lưỡi ra khỏi vòm miệng, ta rung dây thanh để tạo âm thanh.
- /tʃ/ vô thanh nên nên lúc kéo lưỡi ra khỏi vòm miệng, ta không rung dây thanh mà đẩy khí ra.
Cặp âm số 8: /ð/ – /θ/
- Khẩu hình-Lưỡi: Miệng hơi mở-dẹt. Đầu lưỡi chạm vào răng hàm trên và hơi thò ra bên ngoài.
- /ð/ hữu thanh nên ta rung dây thanh để tạo ra âm thanh nhưng giữ lại khí. Khí bị chặn lại ở chỗ tiếp xúc giữa lưỡi và hàm răng trên sẽ tạo ra độ rung tại giữa lưỡi răng trên.
- /θ/ vô thanh nên ta sẽ không rung dây thanh và đẩy khí ra qua chỗ tiếp xúc giữa lưỡi và hàm răng trên.
2.2.2.2. Âm mũi và hữu thanh
- /m/ : Mím môi vào nhau và tạo ra âm thanh bằng cách đẩy không khí lên mũi và thổi không khí ra khỏi mũi.
- /n/ : Dùng đầu lưỡi chạm vào vòm miệng và tạo ra âm thanh bằng cách đẩy không khí lên mũi và thổi không khí ra khỏi mũi.
- /ŋ/ : Phần cuống lưỡi nâng lên và chạm vào phần ngạc mềm trên. Tạo ra âm thanh bằng cách đẩy không khí lên mũi và thổi không khí ra khỏi mũi.
2.2.2.3. Những âm còn lại
- /l/ (hữu thanh): Nâng đầu lưỡi lên chạm vào chân răng hàm trên. Cong thân lưỡi lên chạm vào vòm miệng và rung dây thanh để phát âm.
- /r/ (hữu thanh): Phần phía sau lưỡi được nâng lên, chạm vào phần hàm trên của vòm miệng. Phần trung tâm của lưỡi được đẩy thấp xuống, tạo một vùng trũng. Đầu lưỡi hướng lên trên. Cần đảm bảo giữ được độ cong cho khu vực trũng. Rung dây thanh để tạo âm thanh.
- /w/ (hữu thanh): Hóp má lại và giữ môi chu và tròn. Dồn lực vào đầu môi. Dần mở môi lớn ra giống âm “qu” trong từ “quê”.
- /j/ (hữu thanh): Đây là âm vòm miệng không tròn có hình thức nửa nguyên âm, đi trước nguyên âm. Ta phát âm âm này bằng cách chuyển từ âm /ɪ/ hay /iː/ tới nguyên âm đi sau nó.
- /h/ (vô thanh): Ta để môi mở, lấy hơi và hóp bụng. Sau đó, đẩy hơi ra để tạo âm /h/ như trong từ “hăm hở”.
Trên đây là toàn bộ kiến thức mà bạn cần nắm để phân biệt Bảng chữ cái tiếng Anh đầy đủ và Bảng phiên âm tiếng Anh quốc tế đầy đủ. Qua đó, giúp bạn nắm rõ cách đánh vần 26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh, và có thể nhận diện kí hiệu và phát âm chính xác 44 âm trong bảng Kí hiệu Ngữ âm Quốc tế (IPA).
IELTS – Thư Đặng mong rằng, bài viết này sẽ hỗ trợ cho bạn thật nhiều trong việc học phát âm tiếng Anh.
Hoặc gọi điện trực tiệp số: Cô Thư Đặng 0981128422
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu được IELTS Thư Đặng tổng hợp tại thư mục: http://ielts-thudang.com/download
Trân trọng cảm ơn các bạn!
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm rất nhiều nguồn tài liệu khác ở các thư mục của Website:
IELTS - Thư Đặng Tổng hợp!
" THAM GIA VÀO GROUP CHIA SẺ TÀI LIỆU IELTS - CÔ THƯ ĐẶNG, BẠN SẼ LUÔN NHẬN ĐƯỢC THÔNG BÁO CẬP NHẬT TÀI LIỆU MỚI NHẤT